Chúng ta thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của kiến thức tài chính, chẳng hạn như hiểu biết về cách hoạt động của tiền và có đủ thông tin để đưa ra các quyết định sáng suốt. Nhưng khi nói đến việc xây dựng nền tảng tài chính, điều mà hầu hết mọi người bỏ qua là loại hình tính cách liên quan đến tiền bạc của họ– hay còn gọi là cách tiếp cận và phản ứng về mặt cảm xúc của cá nhân đối với tiền bạc.
Mỗi chúng ta đều có niềm tin và cảm xúc riêng với tiền bạc, chúng hầu hết được hình thành bởi kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Xác định xem bản thân thuộc loại hình tính cách nào và hiểu được điểm yếu của từng loại có thể cải thiện đáng kể mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc. Hơn nữa, sau khi nắm chắc được các kiểu tính cách này, bạn cũng có thể thực hiện nhiều việc như tiết kiệm các khoản mua sắm không suy tính trước, lập ngân sách tốt hơn, đầu tư thông minh và đảm bảo một khoản tiền tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu.
Vậy rốt cuộc, có những kiểu tính cách nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ tài chính và tương lai giàu có của mỗi cá nhân? Bạn đã biết bản mình mình thuộc kiểu tính cách nào hay chưa?
Hãy cùng AzFin điểm qua những nhóm tính cách về tiền bạc thông qua bài viết sau đây
Ken Honda là một chuyên gia về tâm lý tiền bạc và hạnh phúc người Nhật. Ông cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy “Happy Money: Nghệ thuật của người Nhật để hạnh phúc về tiền bạc”. Ông từng sở hữu và quản lý các doanh nghiệp về kế toán, công ty tư vấn.
Ken nói rằng, chúng ta thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hiểu biết tài chính. Tuy nhiên, mỗi người lại có các niềm tin và quan điểm khác nhau về kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư. Trong hơn 10 năm nghiên cứu tâm lý về tiền bạc và sự hạnh phúc, ông nhận ra có 7 kiểu tính cách về tiền bạc khác nhau.
Tuy nhiên sau khoảng thời gian tìm hiểu, AzFin xin rút gọn thành 4 nhóm tính cách chính như sau:
Kiểu tính cách về tiền bạc thứ nhất: Tiết kiệm thái quá
Bạn dè xẻn tiền một cách khắt khe nhưng không có mục tiêu cụ thể. Tiết kiệm là cách duy nhất bạn cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống. Bạn chọn ăn uống kham khổ, chọn tự làm mọi việc thay vì thuê người, tiếc tiền cho các hoạt động giải trí. Bạn cũng lựa chọn hãng điện thoại nào rẻ nhất, thẻ tích điểm nào có giá trị hoặc lựa chọn những chuyến bay giá rẻ nhất…
Tích cách này khiến nhiều người cả đời sống trong tằn tiện, chọn cách bỏ qua những sở thích hoặc hoạt động có thể mang lại hạnh phúc và trải nghiệm. Tính cách này phổ biến với nhiều người thế hệ trước khi họ luôn nghĩ đến chuyện cất tiền để dành cho đời con cái.
Do đó, chúng ta có thể bị rơi vào cạm bẫy của tính cách này trong tình trạng như sau: Một số người tiết kiệm thái quá sợ mất tiền đến mức trong cả quãng đời họ đã không chi tiêu vào bất kỳ điều gì trong khi đã làm việc rất chăm chỉ để tiết kiệm. Họ sẵn sàng chọn bỏ qua những sở thích hoặc hoạt động có thể mang lại hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống.
Nếu bạn là người đang thuộc kiểu tính cách này, AzFin có vài lời khuyên dành tới bạn. Tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng ta không nên quá tằn tiện. Suy cho cùng, ta không thể đem bất cứ đồng tiền nào theo mình khi chết đi, vì vậy hãy tránh việc tiết kiệm thái quá. Học cách cân bằng giữa tiết kiệm tiền và tận hưởng cuộc sống, nghĩ về tương lai và xem nên dùng tiền tiết kiệm của mình để làm những gì.
Kiểu tính cách thứ 2: Người chi tiêu thả ga
Nếu bạn thuộc dạng tính cách thứ hai, thì bạn có xu hướng chi tiền vào những thứ không thực sự cần thiết như quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng công nghệ. Bạn có tính cách hướng ngoại và đối xử với mọi người bằng điều đó đặc biệt, đôi khi không vì lý do cụ thể nào. Khi bạn gặp khó khăn về mặt tình cảm, giải pháp của bạn là chi tiêu để thỏa mãn ngay lúc đó.
Trái ngược lại với kiểu người tằn tiện, với tính cách này, bạn sẽ dễ bị rơi vào cạm bẫy chi tiêu . Có một thực tế là, ngay cả khi bạn đang có một vài khoản nợ chưa trả, bạn vẫn sẽ tiếp tục mua sắm thả ga. Thay vì nhờ tới sự giúp đỡ của người khác, bạn lại cố gắng che giấu điều này với gia đình, bạn bè bằng cách tiếp tục chi tiêu nhiều hơn. Trong một số trường hợp, bạn có thể lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản nếu tiếp tục duy trì thói quen này.
Chính vì thế, lập một kế hoạch ngân sách sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Để chấm dứt thói quen chi tiêu kiểu này, hãy ghi lại toàn bộ khoản chi của bạn trong một tháng. Việc này làm tăng nhận thức của chính bản thân, giúp bạn tránh được các tình huống tương tự khi bỗng chốc lại muốn mua thứ gì đó chỉ vì tùy hứng.
Bạn phải luôn nhắc nhở bản thân và cân nhắc kỹ hơn về các khoản chi tiêu không cần thiết, thay vào đó là chi tiêu tiền bạc cho những thứ thiết yếu như tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc trả nợ. Nếu số dư tài khoản hiện tại chưa phải là con số bạn mong đợi, hãy nghĩ về những món đồ mà bạn đã bỏ tiền ra để mua sắm. Loại bỏ những thứ không cần thiết và xem cuối cùng bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Học cách từ bỏ lối sống xa xỉ có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo nhiều cách khác nhau đấy.
Kiểu tính cách thứ 3: Người cật lực kiếm tiền
Bạn tin rằng kiếm được nhiều tiền hơn là bí quyết của hạnh phúc. Bạn dành phần lớn năng lượng của mình để cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể. Bạn nhận được niềm vui từ sự công nhận của những người khác cho thành công về mặt tài chính
Mặc dù những người cật lực kiếm tiền thường đi trên con đường vững chắc để đạt được tự do tài chính, nhưng một số người thường có xu hướng bỏ bê các mối quan hệ để ưu tiên tăng giá trị của mình, ví dụ họ chọn làm việc cật lực vào cuối tuần thay vì dành thời gian cho những người thân yêu.
Hãy nhớ rằng cuộc sống còn có nhiều thứ quan trọng hơn tiền bạc, tiền bạc chỉ là công cụ giúp ta có được hạnh phúc mà thôi. Bên cạnh đó, nếu ta có tài sản lớn, thử tìm cách giúp đỡ người khác để khiến xã hội tốt đẹp hơn hoặc bản thân thoải mái hơn. Đừng quên tự thưởng cho mình một thứ gì đó sau những ngày làm việc căng thẳng.
Kiểu tính cách thứ 4: Không quan tâm đến tiền
Người có kiểu tính cách thứ tư rất hiếm khi nghĩ về tiền. Trong những trường hợp cực đoan, họ tin rằng tiền là thứ gì đó xấu xa. Và quan trọng hơn, họ tin rằng tiền không nên ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định quan trọng nào trong cuộc sống. Nếu bạn có những đặc điểm này, thì chắc chắn đây là nhóm tính cách của bạn rồi.
Những người thờ ơ với tiền bạc nghĩ rằng họ chỉ cần một số tiền nhỏ cũng có thể hạnh phúc. Điều này không xấu, nhưng hãy nhớ rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng ổn định. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ trong chốc lát nếu biến cố xảy ra và ta không có một xu dính túi.
Theo chuyên gia tâm lý người nhật, Ken Honda, ngay cả khi bạn đang thoải mái về tài chính, hãy chú ý đến những điều như tiền của bạn đang đi đâu, chi phí hàng tháng của bạn là bao nhiêu và bạn đang gánh nợ như nào. Nếu không có kế hoạch tài chính vững chắc cho tương lai có thể khiến bạn gặp phải những rắc rối khi đứng trước sự cố bất ngờ, gây nên căng thẳng tài chính và tâm lý.
Như vậy, AzFin đã đề cập tới anh chị 4 nhóm tính cách về tiền bạc chính đó là (1) Tiết kiệm thái quá; (2) Người chi tiêu thả ga; (3) Người cật lực kiếm tiền; (4) Không quan tâm đến tiền. Hiểu được tính cách của bản thân mình trong mối quan hệ với tiền bạc là bước đi đầu tiên về phía một tương lai an toàn, ổn định. Nên nhớ, không có tính cách nào là hoàn hảo, nhưng xác định bản thân sau đó đề ra kế hoạch tối ưu nhất sẽ giúp tương lai có một cuộc sống hạnh phúc về tinh thần và thịnh vượng về tài chính.
————
Ngoài ra các chương trình của chúng tôi sẽ được phát sóng trên:
🌎 Website: https://aztalent.vn/
🌎 Fanpage AzFin Việt Nam : https://www.facebook.com/AzFinVietNam
📺 Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
————