Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH vào quý 1/2016 thì cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ rơi vào tình trạng thất nghiệp và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh chóng. Đây là một cơn báo động mạnh đến với ngành giáo dục Việt Nam hiện nay và cũng là nỗi ám ảnh của hàng ngàn sinh viên sau niềm vui tốt nghiệp sẽ phải đối mặt.
Thực trạng xã hội đang cho thấy hai vấn đề lớn trong hướng nghiệp và định hướng công việc, Những thực trạng này đang diễn ra và ngày càng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai các bạn trẻ, mà nếu không giải quyết từ sớm thì con đường đi sau này sẽ rất gập ghềnh.
Thực trạng số 1: 16 năm đèn sách, ra trường tiếp tục thất nghiệp
Cử nhân tốt nghiệp Đại học loay hoay mãi không tìm được một công việc ưng ý. “Tấm bằng Đại học chỉ dùng để lót chuột máy tính thôi” – câu nói nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp Đại học rồi về quê làm công nhân . Nhiều bạn sinh viên với tấm bằng Đại học trên tay chạy Grab kiếm sống. Các bạn nói rằng “lương công nhân, lương xe ôm Grab còn cao hơn lương dân văn phòng”. – Ở một khía cạnh nào đó, những gì các bạn nói là đúng; nhưng làm những công việc như thế các bạn có hạnh phúc không? 12 năm học trên ghế nhà trường thêm 4 năm học Đại học, tổng cộng 16 năm của thời gian, của công sức, của tiền bạc – cuối cùng làm những việc mình không thấy hạnh phúc thì liệu có xứng đáng không? Ngoài ra, những công việc liên quan nhiều đến thể lực như công nhân, xe ôm công nghệ liệu các bạn có làm mãi được không? Và cuối cùng, công việc như thế với các bạn có ý nghĩa gi không? Hay chúng ta bỏ ra hơn 40 năm cuộc đời để làm những công việc chúng ta thấy nhàm chán vô cùng nhưng vẫn phải cố gắng chạy theo vì cái gọi là cơm – áo – gạo – tiền?
Hiện nay, một số lượng lớn cử nhân sau khi tốt nghiệp Đại Học, Cao Đẳng ra trường rơi vào trạng thái thất nghiệp hay làm trái ngành do họ không thể tìm được việc làm theo mong muốn bản thân. Theo khảo sát, có đến 70% sinh viên lo lắng về vấn đề việc làm khi vừa bước chân ra khỏi cổng trường đại học.
Với con số hơn 225.000 cử nhân không tìm được việc làm, thậm chí những bạn tốt nghiệp thủ khoa cũng rơi vào thực trạng này thì thất nghiệp chính xác “cơn ác mộng” ám ảnh giới trẻ Việt Nam trước ngưỡng cửa thi Đại Học, Cao Đẳng hiện nay.
Chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ gia đình có điều kiện hơn thì lại có một nỗi sợ vô hình mang tên sợ đi làm, sợ va chạm ngoài xã hội; nên học xong Đại học các bạn lại đi Du học cao học rồi học thêm rất nhiều tấm bằng. Gia đình mãi vẫn phải nuôi những cô cậu dù lớn người nhưng chưa đủ lớn tư duy, chưa đủ trưởng thành này. Những bạn trẻ này mặc dù không phải chịu áp lực tài chính, không cần phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm được tiền; nhưng thách thức mà những đối tượng này phải đối mặt là sợ thử thách, sợ môi trường mới, sợ đi làm – nếu được chỉ muốn đi học và được gia đình tài trợ mãi!
Thực trạng số 2, mất động lực trong công việc
Chúng ta thấy những bạn sinh viên vì công việc tay trái chạy xe ôm công nghệ “hái ra được tiền” nên bỏ lỡ việc học, tấm bằng Đại học cũng như vậy mà bỏ qua.
Chúng ta thấy những cử nhân Đại học thất nghiệp quay sang chạy xe ôm công nghệ 2-3 năm, đến khi nhìn lại chuyên môn không được rèn giũa, mối quan hệ chất lượng không tạo được nhiều, kiến thức lại càng không. Và rồi lại càng ngại, càng lười đi tìm một công việc khác.
Chúng ta thấy những thủ khoa đại học đi làm vật vờ tại các Doanh nghiệp nổi tiếng, không có động lực, không có niềm vui, không muốn cống hiến. Nhiều bạn tự hỏi rằng “Không biết công sức học gần 20 năm vừa qua là để làm gì”.
Chúng ta thấy những “cậu ấm cô chiều” gần 30 tuổi vẫn vi vu Du học, sống bằng sự tài trợ của bố mẹ, không dám về nước vì ngại, vì xấu hổ. Và các bậc phụ huynh mãi vẫn phải nuôi những tiểu thư, công tử như thế này.
Chúng ta cũng thấy những bạn trẻ liên tục kêu than về sếp, về công việc, than vãn rằng ông Trời bất công với mình.
Có gì không ổn ở đây chăng?
Phải chăng, thế hệ gen Y, gen Z không có đủ sự nỗ lực, hay không giỏi bằng các thế hệ cha mẹ – những người từ 2 bàn tay trắng dựng nên cơ ngơi?
Câu trả lời là không phải!
Các bạn gen Y, gen Z hiện nay rất năng động, nhiều bạn trẻ làm nên được kỳ tích, cũng như thành quả học tập rất đáng tự hào, nhưng các bạn luôn vấp phải một vấn đề đó là “định hướng công việc”.
Khi hỏi các bạn “Sau này các em muốn làm công việc gì?”, nhiều bạn không trả lời được. Đây là trường hợp rất điển hình.
Kể cả những bạn chuẩn bị thi Đại học, đang tìm chuyên ngành để làm hồ sơ, hay những bạn chuẩn bị tốt nghiệp Đại học – các bạn đều rất mơ hồ về cái gọi là định hướng công việc.
“Cứ làm thôi”, “Cũng không biết nữa”, “Thôi, cứ ra tiền là được”, “Bố mẹ làm bác sĩ nên con làm bác sĩ thôi”, “Bố mẹ nói thi trường này nên thi”,… – vô vàn những câu trả lời hoang mang của các bạn trẻ về tương lai sự nghiệp của mình.
Nguyên nhân thất nghiệp nằm ở đâu ?
16 năm học của con trẻ, điểm đến cuối cùng là bươn chải kiếm tiền, là tìm một công việc có ý nghĩa và gắn bó để lo toan cho những mối lo cơm áo gạo tiền thường trực.
Nhưng con trẻ không biết mình muốn làm gì. Lỗi do ai? Do các thầy cô không chỉ dạy các con về sở thích, về định hướng của bản thân? Do các con không tự hiểu được chính mình? Hay do chính chúng ta quên mất định hướng cho con của mình.
Theo quan điểm của AzFin, có ba nguyên nhân chính khiến cho việc các bạn ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp , hay mất động lực làm việc.
Nguyên nhân thứ nhất: chưa được định hướng từ sớm
Không được định hướng nghề nghiệp từ sớm khiến cho trẻ (1) không biết mình muốn gì, thích gì, (2) không biết học để làm gì và khiến cho mất động lực học tập, gây lãng phí thời gian ngồi trên ghế nhà trường
Nguyên nhân thứ hai: sự định hướng thiếu chính xác của bậc phụ huynh, giáo viên, người hướng dẫn
Thực tế, có rất nhiều bậc phụ huynh sẽ đặt câu hỏi ngược lại cho chính bản thân mình. Liệu công việc mình đang làm có tạo nên sự yêu thích của mình không? Ngay cả người lớn đôi khi cũng chưa được định hướng đúng. Nhưng thế hệ của chúng ta và các bạn trẻ khác nhau rất nhiều, tư tưởng khác nhau, thế giới quan khác nhau
Một phần nguyên nhân do việc định hướng sai này cũng đến từ sự hiểu biết chưa thấu đáo của bậc phụ huynh, người hướng dẫn. Việc định hướng đôi khi lại dựa trên sở thích cá nhân, không có đủ dữ liệu căn cứ trên vấn đề thực tế xã hội, không dựa trên năng lực và sở thích của trẻ.
Nguyên nhân thứ ba: định hướng đúng nhưng con đường đi không phù hợp
Trong một thống kê của một nhà báo nổi tiếng Malcolm Gladwell, ông chỉ ra rằng, những người thành công thường xuất hiện ở top đầu của một trường học nào đó. Ví dụ, trường hạng A thì top 10% đứng đầu tiếp tục thành công trong lĩnh vực mong muốn, trong khi trường hạng B chỉ 2% đứng đầu. Tuy vậy, điểm hay là, người dốt nhất của trường hạng A vẫn giỏi hơn đáng kể so với người đứng đầu của trường hạng B. Điều gì diễn ra ở đây?
Nguyên nhân chính là ở sự tự tin của sinh viên top dưới của trường A kém hơn đáng kể so vơi sự tự tin của những thành viên top đầu trường hạng B. Chình vì lý do này, sinh viên top dưới của trường A từ bỏ ước mơ theo đuổi, trong khi thành viên top đầu của trường B tiếp tục tiến lên và thành công.
Vậy nên, việc lựa chọn trường vừa với sức học của con trẻ cũng là điều cực kỳ quan trọng để chúng có đủ sự tự tin theo đuổi giấc mơ. Việc chọn cho con những con đường đi đủ thách thức là tốt, nhưng nếu ghập ghềnh và quá sức sẽ lại làm hại đến định hướng lâu dài của con bạn.
Như vậy là AzFin đã trình bày đến cho Anh Chị về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. AzFin rất hi vọng bài ngày hôm nay có thể giúp anh chị ở một góc nhìn nào đó hỗ trợ tốt cho con đường tới tự do tài chính, cho con đường tới niềm hạnh phúc của thế hệ tương lai. Tuy nhiên, định hướng như thế nào là đúng cách, định hướng như thế nào để các con vẫn có thể có được chính kiến của bản thân, vẫn có thể tự trưởng thành được mà vẫn đi đúng đường là một câu chuyện khác. AzFin xin kính mời anh chị đến với số tiếp theo để lắng nghe tiếp chủ đề định hướng nghề nghiệp!
————
Ngoài ra các chương trình của chúng tôi sẽ được phát sóng trên:
? Website: https://aztalent.vn/
? Fanpage AzFin Việt Nam : https://www.facebook.com/AzFinVietNam
? Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
————